Home / Ngữ văn / Ngữ văn lớp 12 / Trong bài thơ “Một khúc ca xuân” (12 – 1977), Tố Hữu viết: “Nếu làm con chim, chiếc lá Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Lẽ nào vay mà không có trả Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Nêu cảm nhận của anh (chị) qua đoạn thơ trên.

Trong bài thơ “Một khúc ca xuân” (12 – 1977), Tố Hữu viết: “Nếu làm con chim, chiếc lá Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Lẽ nào vay mà không có trả Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Nêu cảm nhận của anh (chị) qua đoạn thơ trên.

Trong bài thơ "Một khúc ca xuân" (12 – 1977), Tố Hữu viết:

“Nếu làm con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.

Lẽ nào vay mà không có trả  

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình".

Nêu cảm nhận của anh (chị) qua đoạn thơ trên.

Tố Hữu là một nhà thơ cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng ngay từ tuổi trẻ, vì say sưa với lí tưởng cách mạng mà nhiều lần ông đã vào tù, ra khám. Đến khi lớn tuổi, ông trình bày một quan niệm sống qua mấy câu thơ như sau:

Nếu làm con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.

Chúng ta hãy thử bàn bạc những ý thơ này hầu rút ra một bài học quý về lẽ sống.

Đoạn thơ sử dụng kiểu câu điều kiện – kết quả chứa đựng một lập luận thật sắc bén của tác giả: Nếu làm con chim, chiếc lá – Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Những hình ảnh con chim, chiếc lá tượng trưng cho các vật hết sức bé nhỏ trong thiên nhiên. Tuy bé nhỏ nhưng chúng ta đã cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho vũ trụ ấy: con chim cống hiến tiếng hót, chiếc lá cho màu xanh. Những hình ảnh ấy là tấm gương soi cho con người về cách sống:

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.

Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem ta đã vay và cần trả những gì?

Xem thêm:  Bình giảng bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi

Suy cho kĩ, mỗi người chúng ta đã vay rất nhiều. Vay tiền thì trả lại bằng tiền. Nhưng có những thứ ta vay mà rất khó trả, như Nguyễn Công Trứ đã viết:

Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc,

Nợ tang bồng vay trả, trả vay.

(Chí làm trai)

Lúc lọt lòng, mẹ cho ta thân thể, cha cho ta một dòng máu. Nhưng có phải thân thể ta duy nhất là của cha mẹ ta cho đâu? Nếu không có tổ tiên, bao anh hùng liệt sĩ đã đổ máu xương để xây dựng và giữ gìn đất nước, bảo vệ quê hương, chắc gì ta đã có mặt trên đời này? Trong lòng mẹ, mẹ cho ta dòng sữa ngọt, cha cho manh, áo lành. Rời mẹ cha, ta ra công viên chơi đùa là đã chịu ơn của các người thợ xây dựng, trồng cây. Đến trường, ta lại chịu ơn của thầy cô. Vào bệnh viện, ta khỏi bệnh nhờ các y tá, bác sĩ… Nơi nơi trên đất nước này, bầu trời này, bao nhiêu người đã từng đổ mồ hôi, nước mắt và máu xương để mở đất, xây cầu, làm đường. Đó là tất cả những gì ta đã vay khi ta sống trong đời:

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

Như thế tác giả đã khẳng định việc vay, trả là điều tất yếu, Quan niệm sống là cho mà Tố Hữu tổng kết đã là cách sống của tiền nhân ta. Mẹ Âu Cơ cho ta một dòng máu khỏe mạnh “khôi ngô tuấn tú, sức mạnh như thần”, rồi Lạc Long Quân dạy dân trồng trọt, mưu sinh. Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo và bao nhiêu nghĩa sĩ Lam Sơn, đoàn quân Tây Sơn cho đến bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu giữ nước… đã hi sinh máu xương để cho chúng ta đất trời tự do, độc lập.

Xem thêm:  Phân tích viên quản ngục trong Chữ người tử tù

Do đó, nhiệm vụ trả là nhiệm vụ của chúng ta. Đây là lẽ công bằng và hợp lí. Trả không có nghĩa là chỉ trả cho người mà ta đã vay mà phải trả cho đời. Hiểu theo cách khác là ta phải biết cống hiến khả năng, sức lực của mình cho xã hội, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung của đất nước, phải hiểu việc cống hiến là trách nhiệm của mỗi con người trong xã hội. Nếu ai cũng nhận thức rằng Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình, thì mọi người sẽ sống tốt đẹp biết bao, tình tương thân tương ái sẽ thắm thiết biết dường nào.

Nhưng bên cạnh những người biết sống đẹp ấy, có những kẻ sống thật ích kỉ, chỉ biết hưởng thụ mà không biết phục vụ cho đời. Họ không hiểu được rằng lợi ích cá nhân phải gắn liền với lợi ích tập thể. Trong việc xây dựng đất nước hiện nay, mọi người cần đồng lòng, hiệp sức, cùng công hiến khả năng mình cho xã hội. Những kẻ chỉ đòi hỏi hưởng thụ mà thiếu trách nhiệm đối với đời chính là cản bước tiến của xã hội. Do đó ta cần nghiêm khắc lên án lối sống cá nhân ích kỉ xấu xa này. Đồng thời ta cũng xác định cho mình một thái độ sống đúng đắn: phấn đấu rèn luyện bản thân, hiểu được ý nghĩa sống là cho đối với xã hội, với đất nước, thấy được công hiến là vinh dự, niềm vui của con người. Cho nên ngay từ lúc còn là học sinh, ta cần phải tập sống có ý thức “mình vì mọi người”, để sau này trở thành người hữu dụng, xứng đáng với bao thế hệ đi trước.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm

Nhà thơ Tố Hữu đã viết những câu thơ thật đẹp, thật sâu sắc để nhắc nhở chúng ta một lẽ sống cao quý. Đó là cách sống của người thanh niên mới trong xã hội mới hôm nay.

Từ khóa tìm kiếm nhiều:

  • https://hocsinhgioi com/trong-bai-tho-mot-khuc-ca-xuan-12-1977-huu-viet-neu-lam-con-chim-chiec-la-thi-con-chim-phai-hot-chiec-la-phai-xanh-le-nao-vay-ma-khong-co-tra-song-la-cho-dau-chi-nhan-rieng-mi

Check Also

thay co1 310x165 - Nêu tư tưởng nhân văn cao đẹp trong đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Nêu tư tưởng nhân văn cao đẹp trong đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Đề bài: Nêu tư tưởng nhân văn cao đẹp trong đoạn trích “Hồn Trương Ba, …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *